23
Nov
Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), tính đến năm 2017, Việt Nam có hơn 3.535.700 trường hợp mắc tiểu đường, chiếm 5,5% dân số trưởng thành. Điều đáng nói là độ tuổi mắc tiểu đường đang ngày một giảm xuống và tỷ lệ biến chứng cũng như chí phí điều trị cho 1 ca bệnh ngày một tăng lên. Những con số trên có thể sẽ còn tăng nữa vì chúng ta không biết cách nhận biết và phòng tránh căn bệnh này.
Tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hoá, được đặc trưng bởi tình trạng đường huyết tăng cao. Nguyên nhân do thiếu hụt insulin, tế bào không đáp ứng với insulin hoặc cả hai. Do nồng độ đường trong máu tăng cao kéo dài làm rối loạn chuyển hoá carbonhydrat, lipid, protein dẫn đến biến chứng trên nhiều cơ quan, đặc biệt nguy hiểm ở tim, mạch, thận, mắt và thần kinh.
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân, có thể phân loại tiểu đường thành 3 tuýp sau:
- Tiểu đường tuýp 1
Do tuyến tuỵ bị tổn thương, suy giảm sản xuất insulin, thậm chí mất khả năng sản xuất insulin, làm glucose không thể đi vào tế bào, khiến đường huyết tăng cao trong khi các tế bào lại bị thiếu năng lượng
- Tiểu đường tuýp 2
Tuyến tuỵ sản xuất đủ insulin nhưng không có hoạt tính hoặc có hoạt tính nhưng tế bào không sử dụng được do tình trạng kháng insulin.
- Tiểu đường thai kỳ
Bệnh khởi phát hoặc phát hiện lần đầu trong lúc mang thai. Do thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.
Những dấu hiệu của bệnh tiểu đường
- Mệt mỏi và đói: khi thiếu hụt insulin hoặc đủ insulin nhưng tế bào không sử dụng được làm cho glucose không được vận chuyển vào trong tế bào để tạo năng lượng dẫn đến tình trạng người mệt mỏi, cảm thấy đói.
- Đi tiểu thường xuyên hơn và khát hơn: đường trong máu cao sẽ kéo nước ra ngoài tế bào, tế bào mất nước dẫn đến cảm giác khát. Nước ứ lại ngoài mạch máu nhiều làm thận tăng lọc, dẫn đến đái nhiều.
- Thị lực giảm: cơ thể mất nước có thể làm cho tròng mắt sưng lên khiến mắt mờ và thị lực giảm. Mặt khác, đường huyết tăng cao kéo dài làm tổn thương các tế bào thị giác cũng khiến cho mắt mờ, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác về mắt.
Ngoài các dấu hiệu trên, tuỳ từng loại tiểu đường bệnh nhân có thể có những triệu chứng khác.
- Với tiểu đường tuýp 1, bệnh nhân có thể sút cân bất thường do cơ thể tăng thoái hoá lipid thay glucose để lấy năng lượng, chuyển hoá này sinh ra nhiều ketone, khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn và nôn.
- Với tiểu đường tuýp 2: do bệnh thường diễn ra âm thầm nên người bệnh cần có kể hoạch khám sức khoẻ định kỳ để sớm biết và điều trị kịp thời. Một số triệu chứng của bệnh mà người bệnh có thể bỏ qua như:
- Chân tay tê bì: các dây thần kinh ngoại biên, đặc biệt là vùng chi khi tiếp xúc với lượng đường huyết cao kéo dài sẽ bị tổn thương, kém đáp ứng phản xạ. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người bệnh không cảm nhận được các vết thương, xử lý không kịp thời dẫn tới tình trạng bội nhiễm, thậm chí hoại tử.
- Vết thương chậm lành: đường máu tăng cao kéo dài gây tổn thương đến lưu lượng máu cũng như các dây thần kinh. Điều này khiến cho khả năng chữa lành vét thương giảm xuống đồng thời tăng nguy cơ bội nhiễm vì glucose là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho nhiều vi khuẩn và nấm.
Biến chứng loét bàn chân do tiểu đường
- Nhiễm trùng nấm men: nấm men là vi sinh vật yêu thích đường. Nồng độ glucose cao trong máu là môi trường lý tưởng để nấm phát triển. Nhiễm trùng có thể phát triển ở bất cứ vết gấp, ẩm nào trên da như nếp gấp cẳng chân, nách, bẹn,…
- Cao huyết áp: đường máu làm tăng huyết áp. Bệnh nhân dễ nhầm lẫn triệu chứng này với bệnh cao huyết áp đơn thuần nên không có phương pháp điều trị kịp thời.
- Mờ mắt và các bệnh về mắt: nguy cơ nhiễm khuẩn đặc biệt là vùng mắt gây nên các bệnh về mắt. Mặt khác, đường máu cao cũng làm tổn thương các tế bào thị giác làm mắt mờ. Ở người cao tuổi, triệu chứng này rất dễ bị bỏ qua do nghĩ rằng mắt mờ bởi tuổi già.
- Tiểu đường thai kỳ: các bà mẹ mắc tiểu đường thai kỳ thường không có các triệu chứng đặc hiệu. Cảm giác khát và đi tiểu nhiều dễ bị nhầm lẫn với các biểu hiện thông thường của phụ nữ có thai. Vì vậy, xét nghệm glucose máu là bắt buộc trong thai kỳ, đặc biệt với những người có tiền sử gia đình mắc tiểu đường.
Tiểu đường có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Vì vậy, hãy lắng nghe cơ thể mình. Khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào, nên đến các cơ sở y tế được khám và điều trị kịp thời. Và hơn hết, hãy xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục, kiểm soát cân nặng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Xem thêm:
Tài liệu tham khảo
- Bài giảng bệnh học nội khoa, Đại học Y Hà Nội, tập II
- https://www.idf.org/